• New Gallery
  • Trang Đầu
  • Bài Mới
  • Thời Sự
  • Văn Hoá
  • Quán Chiếu
  • Góp Nhat Đó Đây
  • Hình ảnh, Video, Audio
  • Về Bức Tranh Vân Cẩu
  • Liên Lạc
Menu

Bức Tranh Vân Cẩu

Street Address
City, State, Zip
Phone Number

Your Custom Text Here

Bức Tranh Vân Cẩu

  • New Gallery
  • Trang Đầu
  • Bài Mới
  • Thời Sự
  • Văn Hoá
  • Quán Chiếu
  • Góp Nhat Đó Đây
  • Hình ảnh, Video, Audio
  • Về Bức Tranh Vân Cẩu
  • Liên Lạc

VỀ QUÊ ĂN TẾT (Đan Tâm)

February 2, 2019 Tuevan Nguyen
Việt kiều về VN ăn Tết. Nguồn internet.

Việt kiều về VN ăn Tết. Nguồn internet.

Cả tuần lễ nay, truyền thông trong nước cứ liên miên thông tin về tình trạng... quá tải ở Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, do số lượng người ra chờ đón bạn bè, thân nhân từ hải ngoại trở về ăn Tết Kỷ Hợi. Báo chí diễn tả: tại phòng chờ đợi ở phi trường, người đông như một đàn kiến, không có chỗ để len chân, trẻ con bị dồn ép, khóc lóc om xòm, đã thế lượng người còn cứ tiếp tục tới, tràn vào, không còn ghế ngồi, nhiều người đã phải ngồi cả xuống đất. Trước tình huống khó khăn như vậy, mà không một ai than phiền, họ kiên nhẫn, háo hức chờ đợi, vì họ biết rằng không phải chờ lâu, chịu khó vài tiếng nữa, người thân của họ sẽ xuất hiện ở cửa, và mọi người sẽ cùng nhau hớn hở trở về nhà, chung vui những ngày đầu xuân đòan tụ.

Tết Nguyên Đán của người Việt Nam mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng lắm. Ba ngày Tết là để nghỉ ngơi, vui sống, sau 365 ngày làm việc vất vả. Tết là dịp đi thăm viếng bạn bè, bà con, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp, hâm nóng lại tình nghĩa, sau một năm vì làm ăn bận rộn, đã lơ là. Tết là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, để nhân viên chứng tỏ lòng tri ân đối với cấp trên. Tết là dịp để bày tỏ sự quan tâm tới nhau, bằng cách biếu lẫn nhau những món quà Tết. Và Tết còn có một ý nghĩa cao quý nhất, là gia đình đoàn viên. Con cháu đi làm ăn xa, đều trở về xum họp dưới mái gia đình trong những ngày đầu năm, như đàn chim tìm về tổ ấm. Đêm giao thừa, con cháu thay phiên nhau, theo thứ tự trên, dưới, vào lễ trước bàn thờ gia tiên, trước là mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu, sau là xin các vị khuất mày, khuất mặt phù hộ cho năm mới được an khang, may mắn. Bữa cơm đoàn viên chiều 30 Tết, là bữa cơm mang ý nghĩa thiêng liêng nhất, vì có sự chứng giám của các linh hồn tổ tiên.

Người ta nói: "đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết". Theo phong tục người Việt Nam, thì ngày đầu của một năm, tức là ngày Tết, là đại diện cho 365 ngày trong năm. Nếu ngày Tết có biểu hiện của sự sung túc, phong quang, thuận hòa, vui vẻ, thì những ngày còn lại của suốt năm, sẽ được như thế. Bởi vậy, các bà nội trợ, vào cuối năm, đều mua trữ sẵn các nhu yếu phẩm, dư dùng cho cả một tháng giêng, để lấy hên suốt năm. Bữa cỗ đêm giao thừa đầy ắp những món sơn hào hải vị, không những dư dả cho bữa đó, mà còn đủ ăn cho tới ngày mùng 3 hoặc mùng 4 Tết.

Về Việt Nam ăn Tết, là muốn tìm lại cái hương vị, cái khung cảnh đặc thù của quê hương, khi sửa soạn chào đón mùa xuân. Ở VN, các trường học, các công sở đều đóng cửa, cho mọi người được nghỉ ngơi ăn Tết. Nhiều hãng xưởng còn cho công nhân tiền thưởng cuối năm, tạo điều kiện cho những người xa nhà, có tiền mua vé về quê, kèm với chút quà hương vị tết cho gia đình. Về Việt Nam ăn Tết là muốn đươc sống lại cái không khí đầm ấm gia đình của những ngày xưa thân ái. Ở Việt Nam, nhà nhà đều ăn Tết, người người đều ăn Tết, hương vị Tết phảng phất khắp nơi, tạo nên cái nô nức, háo hức, nhiệt tình cùng nhau chào đón mùa xuân. Cái không khí này, chỉ có thể thấy được ở Việt Nam, mà nơi định cư ở hải ngoại, cho dù có văn minh, và tiền bạc dư dả tới đâu, cũng không thể nào có được !

Ở Hoa Kỳ, người Việt hăm hở, rủ nhau về Việt Nam ăn Tết, khiến giá vé máy bay tăng vòn vọt. Cận ngày, là phải tìm mua vé chợ đen. Những người dự định về VN ăn Tết, đều đã mua vé từ 2, 3 tháng trước.

Mới đầu tháng Chạp, cô em họ từ tiểu bang North Carlina đã gọi điện thoại cho tôi từ sáng sớm, rủ tôi về Việt Nam ăn Tết Kỷ Hợi. Cô liến thoắng bảo tôi: "Năm nay, thế nào chị cũng phải về Việt Nam ăn Tết với em. Em mới gọi về Việt Nam nói chuyện với gia đình. Ai cũng nói em phải rủ chị cùng về, vì đã lâu lắm họ hàng không gặp chị." Tôi vội thoái thác: "năm nay chị hết ngày nghỉ rồi. Nếu biết em rủ chị, chị đã để dành ngày nghỉ. Hay em chờ sang năm, chị em mình đi chung?." Cô em tôi kể lể: "Chị ơi, em không trì hoãn được đâu, ba má em đã trên 80 tuổi rồi, ra vào nhà thương như đi chợ. Ba em đã phải ngồi xe lăn vì bị stroke hồi trong năm. Tuổi già như ngọn đèn trước gió, làm sao mà chờ đợi! Nếu để ba má em ra đi trước khi thấy mặt em, thì còn ân hận nào bằng !" Rồi cô kể lể: "Mười mấy năm trước, vì lo 3 cây vàng cho em đi vượt biên, mà ba má em phải đem cầm căn nhà đang ở. Nếu em chết trên mặt biển, hay bị hải tặc bắt, chắc là cả gia đình em phải ...ra đường ở. Nhà nghèo lại đông con khổ lắm chị ơi! Chỉ đủ sức lo cho một mình em vượt biên, vì em là lớn nhất. Bởi vậy, khi đó em đang học Nha năm thứ hai ở Saigon, sang đây, phải bỏ hết tương lai, nhắm mắt đi làm nail để mau có tiền gửi về nhà." Nghe giọng cô em đẫm nước mắt, tôi vội đổi đề tài: "Em dự tính đi Việt Nam bao lâu? và đi chơi những đâu?" Cô kể lể: "Em mua vé về Việt Nam 3 tuần lễ, nhưng ở nhà chơi với ba bá em 2 tuần đầu, trong dịp Tết. Em đã nói với vợ chồng của 4 đứa em, mỗi ngày đưa cả nhà về nhà ông bà, ăn cơm chung cho ông bà vui. Tổng cộng là trên 40 người. Em sẽ ra tiền chợ mỗi ngày, nhưng các gia đình phải thay phiên nhau nấu ăn. Bây giờ các cháu đang trong dịp nghỉ Tết, nên có thể tiếp tay nấu nướng với ba má chúng. Tết nhất xong xuôi, em sẽ cho các cháu nhỏ đi chơi "Suối Tiên" một ngày, còn các cháu lớn sẽ đi chung với vợ chồng em và ba má chúng ra Nha Trang chơi 3 ngày. Em đã nhờ chú em đặt trước một chiếc xe ven 17 chỗ ngồi, có tài xế rồi. Sau đó, em về Saigon ở chơi với ba má em thêm 3 ngày nữa, rồi trở về Mỹ." Tôi khen: "chương trình của em chu đáo lắm! và cũng tốn kém nữa, vì về vào dịp Tết, thế nào cũng phải quà cáp cho bà con, bạn bè, rồi còn tiền lì xì nữa. Chắc cũng tốn vài chục ngàn?" Cô em nhanh nhẩu nói: "em nghe chuyến này, mọi người ra đón em đông ghê lắm, không chỉ trong gia đình mà còn bạn bè, chòm xóm cũng đòi đi chung." Rổi cô cười hỉ hả: "Năm chục Việt Cộng đi đón 2 Việt kiều ! Oai ghê!". Họ ra đón mình mà không có quà cáp thì coi sao được, tuy nhiên em đã cụ bị xong rồi. Hai thùng đồ em gửi theo máy bay là toàn kẹo bánh, thuốc men, mỹ phẩm em mua ở Costco. Chỉ có những người ruột thịt em mới cho tiền, còn là, cho quà hết cho đỡ tốn. Năm năm nay, em mới về quê ăn Tết một lần, cũng phải xử sao cho coi được, để ba má em mát mặt với bà con, lối xóm.” Tôi nghe chương trình mà thầm phục cô em họ khôn ngoan, biết tính toán chu đáo, tình nghĩa vẹn toàn.

Nhưng tôi cũng thắc mắc, nếu vào mỗi dịp Tết, mỗi Việt kiều về quê thăm nhà, đổ vào Việt Nam một lượng ngoại tệ như vậy, thì tổng cộng có thể lên tới vài tỷ USD. Có khác nào như tiếp thêm sức mạnh cho một chế độ tham nhũng và độc tài kéo dài sự tồn tại. Tuy nhiên, những người Việt sống tha hương nơi xứ người, cũng có những lý do riêng của họ, những lý do vững chãi, đã lôi kéo họ trở về thăm quê nhà, vì con người ai cũng có tình yêu quê hương, tình gắn bó gia đình, tình ràng buộc với bạn bè, chòm xóm, và quan trọng nhất, là về để báo đáp ân nghĩa sinh thành.

Như vậy, thì ta nên ngăn cản hay cổ võ người Việt về quê ăn Tết? Câu hỏi này, không ai có thể trả lời dứt khoát được, là "nên" hay "không nên". Có lẽ nên nói theo kiểu nước đôi, là tùy từng trường hợp, nhưng không nên "vung tay quá trán".

Ôi! về quê ăn Tết, vấn đề tương quan giữa chính trị và tình cảm, khó giải quyết. Thảo nào, mà trên 40 năm nay, mặc dù chính quyền Việt Nam bị kết tội là bán nước, thối nát, chà đạp nhân quyền mà vẫn bình chân như vại!

Đan Tâm

1/2019

In Quán Chiếu, Thời Sự Tags VỀ QUÊ ĂN TẾT, Đan Tâm
← Phiên Gác Đêm Xuân (Nhạc sĩ: Nguyễn Văn Đông - Ca sĩ: Khánh Ly)Hoa Xuân (Nhạc sĩ: Phạm Duy - Ca sĩ: Hoàng Oanh) →
Tag Cloud Block
This is an example. Double-click here and select a page to create a cloud of its tags or categories. Learn more
  • Cats
  • Inspired
  • Playlist
  • Pro Tip
  • Studio
  • Theories