Dòng Văn Học Sử khởi từ BS Trần Xuân Dũng
Gs Nguyễn Xuân Khoan
Bác sĩ Trần Xuân Dũng tiêu biểu cho hình ảnh Kẻ Sĩ chân chính thời loạn cũng như thời bình, khi có ý thức cao về truyền thống 'Nhân - Trí - Hùng' và luôn đi đầu trong việc phục vụ Quốc gia & Dân tộc, do biết vận dụng hoàn cảnh Thiên thời, Ðịa lợi để tác động Nhân hòa:
Thời chiến, Bác sĩ Dũng gia nhập binh chủng Thủy Quân Lục Chiến kiêu hùng, để có thể chiến đấu ngay trên tuyến đầu bất kể hiểm nguy, thể hiện chí khí của bậc hào kiệt khi xếp bút nghiên trong thơ văn cũng như hành động.
Thời bình, mặc dù thất trận, Bác sĩ Dũng vẫn không khoanh tay trước thời thế bất lợi, tận dụng Thiên thời, Ðịa lợi nơi hải ngoại, vận động các chiến hữu viết lại hồi ức chiến tranh của chính mình, làm sống lại khí thế oai hùng của Quân lực VNCH, khởi đầu và tạo được tác dụng sâu rộng để hình thành dòng Văn học Chiến Sử, phục hồi trong sử sách cuộc chiến hào hùng của một thời Quân & Dân & Cán & Chính Miền Nam chiến đấu vì chính nghiã Quốc gia & Dân tộc và lý tưởng Ðộc lập & Tự do & Dân chủ - hình thành các tác phẩm mang nội dung Chinh Phu Hành, nêu cao các hình tượng anh hùng trong chiến tranh, có thể song hành cùng tác phẩm Chinh Phụ Ngâm từng nêu cao hình ảnh các phụ nữ đảm đang giữa thời loạn.
***
Trong nền Văn học Việt Nam, từng có một số văn thi nhân và văn thi đoàn được tạo lập, phát triển, hình thành những dòng văn học đặc thù, có những tác phẩm phản ảnh thời đại đương thời rất giá trị, được tiếp nối và lưu truyền, giáo dục phổ biến, ngưỡng mộ.
Tưởng cũng nên biết dòng Văn học Ðỏ của Việt Cộng tuy được họ giáo dục phổ biến, nhưng do bất chính không hề được ngưỡng mộ, nên lụi tàn ngay khi họ còn thống trị, lúc người dạy không muốn giảng & kẻ học không muốn nghe - như thú nhận của không ít cán bộ giáo dục dưới chế độ?!
Có lẽ đáng kể và xưa nhất là hội thơ Tao Ðàn do vua Lê Thánh Tôn làm chủ súy, phát triển thơ Nôm, lưu lại được dòng thơ 'Khẩu Khí', khi có thể gửi gấm ý chí cao đẹp vào những hình ảnh tầm thường như Dệt Vải, Cái Chổi, Người Bù Nhìn... tuy mang đặc tính ngụ ngôn, nhưng thể hiện khí phách của giới học thức thượng tầng xã hội đương thời, đã được dùng làm những bài học tạo ấn tượng tốt về [Phạm Quỳnh dùng văn học xây dựng nền tảng hậu thuẫn văn hóa, rồi mới bước vào hoạt động chính trị
- Nhất Linh ngay từ đầu đã xây dựng nền tảng chính trị qua một số nhân vật tiểu thuyết, nhất là qua các bài viết của lý thuyết gia Hoàng Ðạo]
Riêng nhóm Sáng Tạo của nhà văn Mai Thảo và các văn nhóm ở Hậu bán Thế kỷ XX ở Miền Nam sau năm 1954, tuy một số được Mỹ tài trợ, được sinh hoạt thoải mái tiện nghi cả về vật chất lẫn tinh thần vào một thời kỳ đất nước nhiều biến động, có nhiều diễn biến hào hùng, rất đáng để văn học ghi nhận; nhưng đã không lưu lại được vết tích đáng kể của những gì diễn ra chung quanh - như bên âm nhạc đã có dòng nhạc chiến sử sâu đậm tình người, không hề tung hô sát phạt, được các nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Ðình Chương, Nguyễn Văn Ðông, Trần Thiện Thanh, Lê Minh Bằng, Văn Phụng, Lam Phương... ghi lại một cách rạng rỡ; sau chiến tranh còn được các Trung tâm băng nhạc hải ngoại như Asia, Thúy Nga Paris, Vân Sơn... và các danh ca Thái Thanh, Hà Thanh, Lệ Thu, Thanh Lan, Khánh Ly, Anh Ngọc, Nhật Trường, Sĩ Phú, Hoài Bắc, Hoài Trung, Hùng Cường... cùng nhiều thế hệ ca sĩ trẻ tài năng cả trong và ngoài nước sau 1975 tiếp nối phục hồi, tái tạo, làm rung động lòng người, khiến kẻ thù là Việt Cộng cũng phải cúi đầu chấp nhận cho tái sinh, công khai tổ chức thi hát quảng bá sâu rộng ngay cả trong nước, thịnh hành hơn cả dưới chế độ VNCH.
Nói về nhạc, trước đó, từ Tiền bán đến Hậu bán Thế kỷ XX có dòng Nhạc Vàng còn được vinh danh là dòng Nhạc Tiền Chiến với các nhạc sĩ Ðặng Thế Phong, Phạm Duy, Phạm Ðình Chương, Hoàng Trọng, Dương Thiệu Tước,Nguyễn Văn Khánh, Anh Việt, Ðoàn Chuẩn, Hoàng Giác, Ngọc Bich, Nguyễn Văn Thương... dòng Nhạc Lịch sử với các nhạc sĩ Văn Giảng, Thẩm Oánh, Hùng Lân, Văn Cao, Lê Thương...
Ðiều rất đáng ngạc nhiên, và cũng rất đáng buồn cho văn học, là hậu thế sẽ khó tìm thấy hình ảnh chiến đấu rất kiên cường và hào hùng của Quân Cán Chính và Nhân Dân VNCH trong thơ văn đương thời, ngoài một Phan Nhật Nam, nhưng lại có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều hình ảnh này qua âm nhạc đương thời?!
***
Tuy nhiên, may mắn thay, ngay sau khi cuộc chiến vừa đi qua, Văn học Miền Nam tưởng như đã tàn lụi trong ảm đạm tiêu điều vì những văn đoàn, văn sĩ trốn lính; hoặc sợ hãi kẻ thù không dám đụng chạm tới Việt Cộng, ươn hèn thoái hóa, vô cảm, mượn cớ phản chiến để trốn trách nhiệm quân sự hoặc theo địch như 'thành phần thứ 3'... không theo kịp sự thăng hoa rất anh hùng của dân tộc trong máu lửa thời loạn, rồi mấthút trong cuộc sống văn hóa hưởng thụ an bình hậu chiến nơi hải ngoại... thì kịp thời xuất hiện một dòng văn học có sức sống mãnh liệt, phản ảnh khá sắc bén một thời vẻ vang của Miền Nam chiến đấu vệ quốc anh dũng, giúp bồi đắp phục hồi tinh thần chiến đấu hào hùng của một thời vệ quốc rực rỡ hào quang - giữa khi Văn học Ðỏ chìm dần không một vang vọng trong lòng người?
Ðó là dòng Văn học Chiến Sử, do Bác sĩ Thiếu tá Quân y Thủy Quân Lục Chiến
Trần Xuân Dũng khởi động, tác động được hàng trăm ''hào kiệt'' nhận ra trách
nhiệm văn học của kẻ sĩ đương thời, hưởng ứng cầm bút, ghi lại nhiều trang thấm
đậm tình người trong cuộc chiến vệ quốc cao cả của quân dân Miền Nam Việt Nam
từ 1954 đến 1975, với nhiều hình ảnh và tư liệu qúy giá viết bằng song ngữ Việt Anh –
Việt Pháp, hình thành hai bộ Chiến Sử hào hùng của binh chủng Thuỷ Quân Lục
Chiến và Quân Y - khởi động việc viết chiến sử của nhiều binh chủng trong Quân
lực VNCH khác nhau, ghi nhận phản ảnh được những hình ảnh bi hùng mà âm nhạc
đương thời đã minh họa một cách thành công, với hàng ngàn bản nhạc và lời muôn
màu muôn vẻ có giá trị vượt thời gian & không gian, qua những tiếng hát bất hủ
Thái Thanh, Hà Thanh, Tâm Vấn, Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Lan, Hoài Bắc,
Hoài Trung, Anh Ngọc, Nhật Trường, Sĩ Phú...
Trong khi đó, 40 năm sau khi Cộng sản Việt Nam tuy nắm quyền nhất thống sơn hà độc tôn cai trị, cũng không sao có lấy một cuốn chiến sử được phổ biến sâu rộng, không một dòng nhạc được lưu truyền thường xuyên, lúc ngay cả trận Ðiện Biên Phủ nay cũng bị Trung Cộng tiết lộ chính họ đã trực tiếp điều binh bố trận, dùng chiến thuật 'Biển Người' vô nhân đạo, bị các tướng lãnh Âu Mỹ cho rằng nếu chiến thắng mà chết quá nhiều quân như vậy, không thể được đánh giá là tướng tài?!
Hơn thế nữa, một cuộc chiến ''Thắng Hại'' khi chỉ mang lại những hậu quả quá ác hại cho Quốc gia & Dân tộc, chỉ giúp những kẻ chiến thắng trấn áp tự do dân chủ, buôn dân, bán nước thủ lợi... thì đâu có thể khiến kẻ cầm súng phục vụ chế độ ngẩng cao đầu kiêu hãnh, viết nên những trang sách và bài nhạc tôn vinh giá trị, được đại chúng tán thưởng?!
Nhận thấy đây là một dòng văn học có giá trị lịch sử và văn hóa cao, rất đáng trân trọng, cần nghiên cứu & tìm hiểu & quảng bá sâu rộng trong giáo dục & đào tạo, lưu truyền giúp mai hậu hiểu rõ về một thời VNCH vệ quốc oai hùng... nên chúng tôi đã xin gặp Bác sĩ Trần Xuân Dũng để phỏng vấn tìm hiểu sự khai phá, vào một buổi tối trung tuần tháng 7-2015 tại tư gia của bác sĩ ở Melbourne.
Trong lần gặp gỡ qúy giá này, chúng tôi được bác sĩ cho biết ngay sau 1975, bị Việt Cộng bắt đi cải tạo tại các nhà tù Long Giao, Suối Máu, Bùi Gia Mập... từ tháng 6-1975 đến tháng 12-1977, Bs Trần Xuân Dũng đã có ý định viết lại, kể về những hình ảnh hào hùng của Quân lực VNCH mà chính bác sĩ là một nhân chứng, vì từng trực tiếp tham gia.
Buổi đầu, ông hồi tưởng viết thành một tập 'thơ chiến sử' mang tựa 'Như Sóng Thần Lên', có nội dung tường thuật lại những trận chiến oai hùng của hầu hết các binh chủng, các sư đoàn bộ binh, nghiã quân và địa phương quân... xuất bản ở Úc năm 1990.
Tuy tập thơ này được nhiều người ưa thích tán thưởng, nhưng tác giả thấy đây chỉ là tâm tư của một người, nên ngay sau khi học lại y khoa, tốt nghiệp văn bằng bác sĩ tại Úc, mở phòng mạch ở Melbourne, để dành được ít tiền, tác giả không ngại tốn phí điện thoại và bưu điện rất cao, liền tìm cách liên lạc vận động các chiến hữu trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến đang sinh sống tại Âu Mỹ Úc viết tự sự, hồi ức kể lại những trải nghiệm trong cuộc chiến, đặc biệt nhấn mạnh về tình cảm, tâm lý...
Phải đến năm 1997, sau nhiều năm tháng liên hệ, vận động, thuyết phục, Bác sĩ Dũng mới tập hợp được khoảng 70 bài viết của các chiến hữu trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, ấn hành tập Chiến sử Thủy Quân Lục Chiến.
Tác phẩm Chiến sử Thủy Quân Lục Chiến ngay lập tức đánh động lòng người, gây tiếng vang lớn khi được trao tặng một Giải thưởng Văn học lớn ở Hải ngoại, nên nhanh chóng tác động vào tâm thức các cựu chiến binh VNCH, dấy lên một trào lưu các cựu chiến binh VNCH của nhiều binh chủng khác nhau viết hồi ức, hình thành nhiều tập chiến sử, hồi ký.
Trước tiên, ngay khi nhận ra giá trị trên nhiều phương diện của cuốn Chiến sử Thủy Quân Lục Chiến, các chiến hữu trong binh chủng này thấy rõ tầm vóc lịch sử và văn học của sách cả về hinh ảnh lẫn nội dung, nên rất nhiều chiến hữu chưa viết đã cộng tác gửi thêm nhiều bài, khiến Bác sĩ Trần Xuân Dũng phải tái bản cuốn Chiến sử Thủy Quân Lục Chiến II năm 2007, với 150 bài viết cũ mới, ấn hành thành 2 tập sách khổ lớn nặng 5kg.
Ðặc biệt ngay từ lần ấn hành thứ 1, Bác sĩ Trần Xuân Dũng được các con của ông giúp chuyển ngữ sang Anh ngữ, nên còn được giới thiệu với quốc tế qua tựa đề 'History of The South Vietnamese Marines Corps' khi đưa lên internet vào tháng 7-2014, đến tháng 5-2016 đã được nhiều độc giả của các nước khác nhau trên thế giới tìm đọc, với con số được ghi nhận cụ thể như sau: -United States 1.939 người đọc - Australia 628 - Russia 341 - Vietnam 277 - United Kingdom 74 - France 155 - Canada 168 - Germany 324 - Romania 28 - Switzeland 21 - Ukraine 61 - Netherland 61...
Tổng cộng 4.367 độc giả trong và ngoài nước.
Năm 1997, nhân đại hội Y & Nha & Dược sĩ Việt Nam Hải Ngoại Thế Giới ở
Canada, Bác sĩ Trần Xuân Dũng vận động thêm các chiến hữu ngành Quân y VNCH tham gia viết chiến sử trong giới Quân Y sĩ, đồng thời một số các binh chủng khác cũng tham vấn Bác sĩ Trần Xuân Dũng để thực hiện các cuốn chiến sử binh chủng của mình, hình thành một trào lưu 'Văn học Chiến Sử'
giúp hậu thế có thể tìm hiểu đánh giá đứng đắn về Quân lực VNCH, tuy bị chiến bại nhưng đã chiến đấu vì chính nghiã quốc gia và lý tưởng độc lập tự do dân tộc một cách hào hùng, xứng đáng vinh danh - hơn là thắng 'hại'như Việt Cộng vì đã và đang khiến Quốc gia & Dân tộc lâm cảnh bị Bắc phương chế ngự, đẩy đất nước vào sự bại hoại về mọi phương diện, từ tinh thần đến vật chất... ngay như bộ đội Miền Bắc Việt Nam do Cộng sản khống chế, đào tạo rất sắt máu theo tôn chỉ 'Trung với Ðảng', trở thành công cụ hung ác, tham tàn với dân nước?!
Ðiểm đặc sắc của các cuốn chiến sử do Bác sĩ Trần Xuân Dũng chủ trương, là ít mang tính nội san, khi không quá thiên về phần viết quá trình hình thành và phát triển của binh chủng; mà đặt trọng tâm vào các giá trị mang tính nhân văn như tâm lý, tình cảm, hành động của người chiến binh cũng như người quân y sĩ khi đối mặt quân thù, nhưng vẫn mang nặng ''Lòng Nhân'' của một Người Việt thấm nhuần tình 'Ðồng Bào' lưu truyền từ Mẹ Âu Cơ, cộng với ''Chí Khí Anh Hùng'' truyền thống từ các Vua Hùng.
Rất có thể từ sự tác động của dòng Văn học Chiến sử, mà một số nhà văn như Phan Nhật Nam, Ðỗ Tiến Ðức, Tạ Quang Khôi... đã hình thành thêm những tác phẩm 'Văn học Hậu chiến', khi viết tiếp về những thân phận con người ở các giới Cựu quân nhân, Hành chánh, Giáo dục... sau cuộc chiến tàn khốc 1954 - 1975, khi chánh thua tà, thiện thua ác... tạo ra không biết bao nhiêu thảm cảnh bi hài, trớ trêu, khiến người đọc không thể không ngậm ngùi tiếc thương về một thời kỳ huy hoàng của đất nước tại Miền Nam Việt Nam - khác hẳn loại thơ văn 'làm dáng' hay 'duy ngã' ích kỷ dửng dưng xa rời cuộc sống chung quanh, ung dung tự tại giữa những gian nguy khổ đau của đồng bào sau chiến cuộc vệ quốc khốc liệt bị bủa vây khắp chốn, cũng như lúc hàng trăm ngàn người đang dũng cảm vượt biển tìm tự do dân chủ, khiến nhiều quốc gia cũng phải động lòng tích cực cưu mang hỗ trợ?!
***
Chiến sử Thủy Quân Lục Chiến ấn bản II năm 2007, không chỉ thuần túy là một cuốn sách viết về những trận đánh khốc liệt của binh chủng này, mà còn có những nội dung mô tả những sự việc bao hàm tâm lý & tình cảm của người chiến binh trong các trận chiến, cũng như sau khi thua trận một cách oan uổng tức tưởi... khiến người đọc không khỏi liên tưởng đến những trang viết của nhà văn Ðức Erich Maria Remarque (1898 - 1970) viết về 2 cuộc Ðệ I Thế chiến (1914 - 1918) và Ðệ II Thế chiến (1939 - 1945), qua những tác phẩm danh tiếng từng làm rung động người đọc, được đưa lên màn ảnh, như ''à l' Ouest rien de nouveau'' (1929), ''Arc de triomphe'' (1946)...
Chúng tôi xin được trích dẫn một số tâm tư trong một số bài tựa giới thiệu của một số cuốn chiến sử, mà chúng tôi may mắn hữu duyên có được:
'Mục đích đơn giản của chúng tôi là:
'- Kể lại những trận đánh Thủy Quân Lục Chiến đã tham dự và ước mong các quân binh chủng khác thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng cầm bút viết lại những gì mà họ đã trải qua.
'- Cho con cháu chúng ta biết về sự chiến đấu của cha ông họ.
'- Tái tạo niềm hãnh diện cho những Thủy Quân Lục Chiến còn sống và cho gia đình của những Thủy Quân Lục Chiến đã hy sinh.
'- Cung cấp cho thế hệ sau và thế giới một cái nhìn cân bằng về cuộc chiến Việt Nam.
'Mọi người cần phải rời khỏi các nhãn quan hạn hẹp đã bị đầu độc từ bao lâu nay bởi giới truyền thông nặng phần thương mại và giới văn hóa tầm thường. Thế hệ trẻ không nên nhìn thập niên 60-70 là của Hippies hay của những phong trào chống chiến tranh đòi hòa bình... Thế hệ trẻ cũng không nên nhìn chiến tranh Việt Nam như cuộc xâm lăng của người Mỹ, và càng tệ hại hơn nữa khi nghĩ nó là cuộc chiến tranh của người Cộng sản yêu nước đánh lại miền Nam tham nhũng... Ðó là những điều dối trá bịa đặt để bôi nhọ miền Nam và Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong mục đích tuyên truyền của Cộng sản.
(Ðại tá Phạm Văn Chung - trang 41 Chiến Sử Thủy Quân Lục Chiến volume 1, Tái bản năm 2007)
'...chúng tôi tự hào đã mang lý tưởng nhân đạo phục vụ nạn nhân chiến tranh, những quân nhân can đảm hy sinh thân thể và cả mạng sống để bảo vệ 20 triệu người miền Nam.
'Ở tuyến đầu của công tác y tế nơi chiến trận, chúng tôi làm chứng cho tinh thần dũng cảm của các chiến hữu thuộc mọi tầng lớp xã hội.
'...
'Ở lãnh vực chuyên môn, chúng tôi không từ chối chữa trị cho những tù binh phiá bên địch, họ đã là nạn nhân vô ích của một chủ nghiã phá sản. Ở mọi phiá, bên này hay bên kia, phẩm giá của thương binh đã được tôn trọng đúng mức.
(Y sĩ Trung tá Phạm Hữu Trác 31-12-1999 - trích trang 15 Quân Y Quân Lực
Việt Nam Cộng Hòa, ấn bản năm 2000)
'Mơ ước nhỏ bé của người viết là cố gắng trình bày chuyện thực lịch sử về những chàng trai trẻ Hải Quân Việt Nam thời ấy (1952 - 1975) đã hợp sức nhau nối lại dòng Hải Sử đứt đoạn của tiền nhân, xây dựng nên một Hải Quân có tổ chức chặt chẽ với 42.000 người và đủ loại chiến hạm chiến đỉnh. 'Và đặc biệt vào năm 1974, tuy biết rằng yếu thế, không đủ lực lượng tác chiến ngoài khơi, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa cũng cương quyết đứng lên chống Trung Cộng xâm lấn hải biên.
'Hậu thế có thể nhìn vào hệ thống chỉ huy độc lập và tổ chức riêng biệt của HQVNCH mà minh định tinh thần chủ quyền của VNCH thời ngăn chặn Cộng Sản xâm lược.
(Vũ Hữu San 2009 - trích trang XVI Hải Sử, Lược sử Hải Quân VNCH)
'Thép và Máu nhằm mục đích nói lên sự hy sinh cao cả của các Quân Binh chủng trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nhắc đến những chiến tích oai hùng của các chiến sĩ dũng cảm Thiết Giáp Kỵ Binh và đồng đội, và nhất là đóng góp một số sử liệu xác thực vào pho quân sử để các thế hệ sau có thể hiểu rõ hơn về cội nguồn và diễn biến của cuộc chiến.
'...
'Trong thời gian biên soạn cuốn sách này, ngoại trừ những sự kiện đã được chứng kiến, chúng tôi còn sưu tầm tài liệu, tìm hiểu ngọn nguồn, phỏng vấn nhân chứng và đối chiếu sự kiện để đúc kết và tường thuật lại những khúc phim đẫm máu trên chiến trường Nam Việt Nam đúng theo sự thật. Chúng tôi tuyệt đối không che đậy dù cho thắng hay bại để sự thật được trả lại cho lịch sử.
(Soạn giả Hà Mai Việt, Texas ngày 1-1-2005 - trích trang VII, Thép và Máu,
Thiết Giáp trong Chiến tranh Việt Nam)
'Không biết bao nhiêu chiến sĩ Nhảy Dù đã nằm xuống cho sự tự do của đất nước nước chúng ta, cũng không biết bao nhiêu chiến hữu của chúng ta đang còn ở lại sau ngày 30-4-1975 đã phải sống trong tủi nhục với những tháng ngày vô vọng và nỗi đau đớn cùng tột khi biết mình bị bỏ rơi hay quên lãng của những người bạn đã từng cùng kề vai sát cánh chiến đấu ngày trước. 'Và chúng tôi hy vọng rằng quyển sách này sẽ nói lên được với qúi chiến hữu rằng chúng tôi luôn ghi nhớ lời cám ơn trong lòng và không bao giờ quên các bạn.'
(trích trang 4 sách 'Binh chủng Nhảy Dù - 20 năm chiến sự' của Võ Trung Tín và Nguyễn Hữu Viên, Little Sàigòn 2010)
Với binh chủng Nhảy Dù, chúng tôi còn hân hạnh được xem video 'Máu Lửa Charlie' của Cựu Thiếu tá Ðoàn Phúc Hải - Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù phổ biến trên internet, nói về trận đánh tử thủ của Tiểu đoàn 11 trên Ðồi Charlie, từng được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết thành bản nhạc Người Ở Lại Charlie, tưởng nhớ Trung tá Nguyễn Ðình Bảo đã cùng nhiều chiến binh Nhảy Dù hy sinh trong trận đánh khốc liệt, khi phải đối đầu với quân số gấp nhiều lần của Việt Cộng.
Video 'Máu Lửa Charlie' tuy chỉ là bản tự thuật của một người trực tiếp tham dự trận đánh, nhưng với những ngôn ngữ truyền cảm, hình ảnh minh họa sưu tầm sống động... đã khiến người xem như được tận mắt chứng kiến một cuốn phim quay lại trận đánh lịch sử, hầu có thể cảm nhận được phần nào những hoàn cảnh chiến đấu cam go nhưng rất anh hùng của Người Lính Chiến Quân lực VNCH, có tác động mãnh liệt, làm dấy lên tự đáy lòng người xem những cảm súc bồi hồi tưởng tiếc, luyến tiếc, mến tiếc, thương tiếc, nuối tiếc khôn nguôi... thắp lại ngọn lửa chính nghiã, từng một thời được Quân lực VNCH đốt sáng.
Hiện nay trên internet có rất nhiều băng video về Ngày Quân lực VNCH, Nhạc Quân hành Quân lực VNCH, Nhạc Hùng Sử Việt... đã được hàng triệu người xem, ghi những cảm nghĩ xâu sắc... ắt sẽ có những tác động lớn lao vào lòng người mai hậu.
Sau hơn 20 năm khởi đầu viết Thơ & Văn Chiến Sử, khơi dậy một dòng văn học viết về chiến tranh không thua những gì các nhà văn quốc tế đã viết về 2 cuộc Thế chiến I và II, năm 2014 Bác sĩ Trần Xuân Dũng đã nhận lời chúng tôi, liên hệ với một số tác giả, mời viết thêm một số hồi ức; nhất là ghi thêm một số tư liệu phong phú về tiểu sử các tác giả, hình thành tập 'Văn học Quân Ðội 2019' ghi lại nhiều bài viết của các binh chủng khác nhau, giúp các nhà nghiên cứu hậu thế có thêm tư liệu.
Chỉ nguyên danh xưng ''Văn Học Quân Ðội'' của tác phẩm này, cũng đủ khiến chúng ta giật mình suy nghĩ, vì nghĩ đến sự ''chính danh định phận'' rất quan trọng trong sử sách:
-Những người cầm bút mà chịu sự điều khiển của kẻ khác,đến khi các sự thật xấu xa bộc lộ mà vẫn không phản tỉnh, chỉ có thể gọi là ''Văn Nô'', ''Bồi Bút''?!
-Những người cầm súng mà trước sau vẫn một lòng bảo vệ chế độ độc ác, bán nước buôn dân, chỉ đáng gọi là ''Quân Cướp'' - không thể gọi là ''Quân Ðội''? Việc Việt Cộng buổi đầu gọi chiến binh của họ là ''Bộ Ðội'' (tức đội lính nội bộ?) cho thấy tập thể này không thể nào trở thành ''Quân Ðội'' của một Quốc Gia & Dân Tộc, khi các chiến thắng chỉ là 'thắng hại', không hề là 'thắng lợi'?!
Do vậy, việc Bác sĩ Trần Xuân Dũng lấy tên tác phẩm sưu khảo của mình là ''Văn Học Quân Ðội'' đã nhắc nhở chúng ta cần phân biệt giữa ''Quân Ðội'' khác hẳn ''Bộ Ðội'' và ''Quân Cướp'', khi người cầm súng đã và đang phục vụ hay phản bội Quốc Gia & Dân Tộc?!
***
Chúng tôi xin giới thiệu một số địa chỉ một số tác phẩm của Bác sĩ Trần Xuân Dũng trên internet để Qúi Vị tiện tham khảo:
-txdung39.blogspot.com: History of the South VietnameseMarineCorps. -txdung391.blogspot.com: Chiến Sử Thủy Quân Lục Chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
-txdung392.blogspot.com: Như Sóng Thần Lên.
-txdung393.blogspot.com: Khói Mây Quên Bẵng Duyên Phàm Trước.
-txdung394.blogspot.com: Thơ Nhị Thập Bát Tú.
Nhận Ðịnh
Nếu trên internet đã có hàng triệu người nghe dòng nhạc hùng ca và dòng nhạc vàng của VNCH thời Hậu bán Thế kỷ XX, mang nội dung ca ngợi cuộc sống vui tươi và tinh thần chiến đấu hào hùng của quân dân Miền Nam, phải đổ lệ xót xa tiếc nuối... thì khi đọc những trang của dòng Văn học Thơ & Văn Chiến Sử, nhìn những hình ảnh minh họa cụ thể, ai nấy cũng sẽ không thể cầm nước mắt, hoài niệm về một quân lực oai hùng, một thời vì chính nghiã Quốc gia cầm súng bảo vệ lý tưởng độc lập & tự do & dân chủ cho dân tộc, bị các thế lực quốc tế lầm lẫn bức tử, nhưng vẫn có thể lưu lại cho nhân loại nhiều tác phẩm hình thành dòng văn - thơ - nhạc chiến sử bi hùng.
Âm nhạc VNCH 1954 - 1975 và Chiến Sử Quân Lực VNCH sau 1975 chắc chắn sẽ có những đóng góp lớn lao, tác động sâu thẳm vào lòng người, từ đó sẽ làm bùng cháy lên những ngọn lửa yêu nước nồng nàn, giúp phục hồi một Quốc gia & Dân tộc Việt Nam độc lập tự do huy hoàng hơn bao giờ hết. Do vậy, việc nghiên cứu để đưa vào sách giáo khoa mai hậu những tuyệt tác này, là điều cần thiết để xây dựng tái tạo một nền tảng văn học yêu nước đích thực, có sức mạnh tiềm tàng trong việc hình thành tâm thức Nhân - Trí - Hùng, như các áng văn yêu nước cổ điển của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ...
***
Chúng tôi xin được trích dẫn một số trích đoạn của một số bài viết trong 2 bộ sách Chiến Sử Thủy Quân Lục Chiến - ấn bản 2007, vì đây là những tâm tư & tâm tình đích thực của những người trong cuộc - khác hẳn với những mô tả của các nhà văn sống bên lề cuộc chiến tưởng tượng ra, nên rất đáng để chúng ta đọc hầu phần nào có thể cảm nhận về một cuộc chiến rất hào hùng của Quốc gia & Dân tộc Việt Nam, từng bị bọn văn thi nhân hèn nhát không thể đề cập trong dòng Văn học Phản chiến Bất chính suốt 20 năm (1954 - 1975) tại Miền Nam.
Trong phần II của ấn bản lần thứ 2 này, người đọc sẽ thấy những hình ảnh và tự sự & tâm sự về những ngày cuối trận chiến vô cùng bi tráng của một Quân Ðội Vệ Quốc anh hùng bị bức tử:
Chiến Sử Thủy Quân Lục Chiến - quyển I
(từ năm 1954 đến năm 1971)
Huế tôi và Mậu Thân Trung tá Nguyễn Văn Phán
'Con hẻm sát hồ Tịnh Tâm là đường vào nhà tôi. Mạ tôi đó, dì, chị và em tôi đó. Xao xuyến quá!
Tôi đi nhanh đến ôm Mạ tôi, dì và chị tôi khóc như mưa. Thằng em luống cuống chạy quanh, bị Mạ tôi nạt: 'Mi chạy mau vô nhà lấy khúc cá kho khô và đòn bánh tét gói lại đem ra đây bới cho anh mi'.
Mẹ tôi dụi vào tay tôi chai dầu Nhị thiên đường: 'Con xức cho khỏi gió'. Lính đi ngang nói với nhau: 'Mạ đại úy sao đầu trọc lóc vậy bây?'. 'Bà ấy đi tu để phước cho con, tụi mình cũng được hưởng ké đây'.
Phán và âm thoại viên vẫn còn dừng lại: 'Nhà mình có răng không Mạ? Bà con thân thuộc có ai bị chi không?'. 'Nhà ông Quế chủ quán Chiêu bị trúng hai trái nhưng người thì không răng. Nhà mình bị ngói đổ một góc, cây đào bị gãy ngọn. Còn thằng Chỉ không biết đi mô'.
Chỉ là bạn tôi xuất thân 17 Võ bị Ðà Lạt.
Tôi xót xa đắng miệng: 'Thôi con đi, Mạ và gia đình đừng lo cho con.
(trích sđd trang 497)
Những ngày đầu của Tiểu đoàn 7 TQLC
Thiếu úy Nguyễn Khắc Thịnh
... Tôi được chuyển về bằng xe cứu thương quân đội, chạy hụ còi ưu tiên. Khi đến Vĩnh Long qua Bắc Mỹ Thuận, dân chúng đi chung phà tò mò nhìn người thương binh.
Trong số đó có cô em Vĩnh Long của tôi, cô em giật mình khi thấy người thương binh lại là người mà hôm chia tay tạ từ cô đã nói: 'Hy vọng đón anh về lại tỉnh này, khi đã hoàn thành nhiệm vụ'.
Cô em cuống quít lo sợ cho thương tích của tôi, tôi cười và nhắc lại: 'Anh đã hoàn thành nhiệm vụ và về gặp em đây'.
Phà cặp bến, tôi cho cô biết mình sẽ nằm dưỡng thương ở bệnh viện Lê Hữu Sanh của Thủy Quân Lục Chiến ở Thị Nghè, Sài Gòn.
Trong thời gian điều trị, tôi phải dùng xe lăn, hàng ngày sau giờ học cô em đến bệnh viện thăm và an ủi tôi. Cô thường đẩy xe cho tôi ra vườn hoa bệnh viện, rồi cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm xưa, khi còn ở Vĩnh Long... Tôi cảm thấy mình được xoa dịu, an ủi nhiều trong khoảng thời gian này, hai chân tôi đã từ từ cử động lại. Tại đây hội đồng phân tôi loại 3 và được chuyển về Trung tâm Quản trị Trung ương Sài Gòn ngày 28-10-1970.
Sau nhiều ngày suy nghĩ về hình hài tàn phế của mình và tương lai cô em, tôi không muốn vì mình mà cô em dở dang việc học hành...
Vì thế nên tôi xin chuyển về Nha Trang mà không cho cô em hay. Tôi giã từ Binh chủng và Quân đội trở về dân sự với một thân thể không trọn vẹn, tật nguyền, nhưng tâm hồn tôi vẫn vui và tự hào mình đã làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình đối với Tổ Quốc.
(trích sđd trang 631)
Chiến Sử Thủy Quân Lục Chiến - quyển II
(Từ năm 1972 đến năm 1975)
Nếu Quyển I mênh mang những hình ảnh, những tự sự và tâm sự buồn vui về các chiến trận khốc liệt... thì Quyển II chan chứa những ý tình tức tưởi của các chiến binh sau khi kết thúc trận chiến trong thảm bại:
Tiến về Quảng Trị
Một Cọp Biển
...Cấp cao ở xa, đâu có nhìn thấy tận mắt cái khó khăn của những Trung đội trưởng và Ðại đội trưởng.
Những ngày trên tuyến đầu của họ là những ngày đêm mất ăn mất ngủ. Ăn làm sao ngon giữa những cơn mưa pháo và lính bị thương đem về liên tiếp.
Ngủ làm sao yên khi đêm nào địch cũng hò hét xung phong đôi ba lần? Dẫn Ðại đội lên tuyến đầu với quân số 140, ba ngày sau bị thương một phần ba, phải lui lại về bổ sung.
Ðại đội nào ngon lắm thì cũng chỉ chịu đựng được 10 ngày, sau 10 ngày là quân số tác chiến sẽ hao phân nửa.
Thượng cấp xài xể sao không đánh mà tổn thất nhiều, thật ra nhiều lúc ''chỉ giữ được cũng là anh hùng''.
Có ai hiểu cho nỗi khó khăn của những sĩ quan cấp nhỏ thế này!
(trích sđd trang 1139)
Tái Chiếm Cổ Thành
Trung úy Văn Tấn Thạch
...Có hàng trăm, hàng ngàn điện tín, thư chúc mừng của các vị Tổng thống,
Thủ tướng, Quốc trưởng của các quốc gia Ðồng minh cũng như của các Tướng lãnh tên tuổi trên thế giới gửi đến chúc mừng và ca ngợi sự chiến thắng to lớn này.
Ðài Sài Gòn lúc nào cũng nói đến chiến thắng, bài hát ''Cờ bay trên Cổ Thành Quảng Trị'' không ngày nào là không phát đi phát lại nhiều lần. Chẳng những lúc ấy mà mãi đến bây giờ, mỗi lần nghe bản nhạc đó tôi vẫn thấy oai hùng biết bao.
Nhưng kèm vào đấy là nỗi uất hận dâng tràn...
Chiến sĩ ta hùng dũng như thế, mà tại sao lại phải buông súng đầu hàng? Tại sao lại phải khuất phục trước quân thù?
Ðể phải chết chóc, để phải đi vào vòng lao lý khổ ải!
Tại sao lại phải bỏ nước ra đi?
Tại sao? Tại sao? và Tại sao?...
(trích sđd trang 1169)
Lữ đoàn 147: Từ một cuộc di tản chiến thuật 1975
Thiếu tá Phạm Văn Tiền
...Giã từ vũ khí, ném súng xuống dòng sông định mệnh, ngồi chờ địch đến, đổi đời lịch sử sang trang.
Chúng tôi bị trói tay lùa lên bờ. Chúng tôi bị ''giải phóng'' tất cả quần áo, đồng hồ, dây chuyền, đồ đạc.
Một vài người bị dẫn đi xử bắn dã man.
Chúng tôi bị xỉ vả, đấu tố làm tay sai cho đế quốc.
Chúng tôi không còn là chúng tôi nữa, chỉ vì chúng tôi là chiến sĩ QLVNCH bảo vệ miền Nam tự do, bị bỏ rơi lại phiá sau, thề sống chết thủy chung và chiến đấu hết mình.
Cuộc đời tù đày của vài ngàn quân cũng bắt đầu từ cái ngày đáng nhớ ấy... 27-3-1975 tại một địa danh nhỏ, hẻo lánh, quen thuộc: thôn Vĩnh Lộc, Thừa Thiên, Huế, ngay trên Tổ Quốc thân yêu của chúng tôi.
(trích sđd trang 1325)
Những ngày tháng sau cùng của Tiểu đoàn 2 TQLC Ðại úy Kiều Công Cự
...Tay trái cầm bình nhựa khoảng 5 lít, mắt nhìn hướng con tàu và khoảng cách rồi từ từ bước xuống nước.
Những đợt sóng ùa tới như muốn đẩy tôi trở lại bờ. Ðầu óc chỉ có một ý nghĩ duy nhất là phải bơi ra con tàu.
Nhiều người đã và đang thực hiện cùng một ý nghĩ như tôi.
Cố gắng tránh những con sóng thẳng, chui qua bụng sóng, đi ngầm dưới nước, cho đến khi hẫng chân thì trồi lên và bắt đầu bơi.
Ngoài khơi khoảng 200 thước thì sóng êm hơn dễ bơi.
Trên biển đầy người. Ðã có những cái xác bập bềnh.
Ðạn pháo cũng bắt đầu rơi xuống mé nước. Con tàu càng lúc càng gần. Cho đến khi nắm được cái phao thì đã có người kéo lên. Tàu há mồm chờ đón. Trên tàu lúc bấy giờ có khoảng 200 người, trong số đó có anh Hợp và nhiều anh em trong Tiểu Ðoàn. Anh Hợp chỉ cho tôi cái phao gần đấy. Những người lên trước thì quăng phao kéo người lên sau và cứ thế...
Khoang tàu còn rộng, có thể chứa nhiều trăm người. Hạm trưởng cho lịnh tiến sát vào để vớt được nhiều người hơn.
(trích sđd các trang 1453 và 1455)
***
Ðọc những dòng trích dẫn trên, nhớ lại nội dung bài 'Hịch Tướng Sĩ' của Hưng Ðạo Vương' từng được giảng dạy nơi nhà trường trung học, mới thấy thấm thiá nỗi đau của kẻ thất trận, để hiểu rằng ngay từ khi bắt đầu lâm chiến, tất cả phải quyết chiến một lòng như dưới thời nhà Trần?
Hịch Tướng Sĩ nguyên văn chữ Hán của Trần Quốc Tuấn bản dịch của Trần Trọng Kim
...
'Khi bấy giờ chẳng những là thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các người cũng hết, chẳng những là gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con của các người cũng nguy; chẳng những là ta chịu nhục bây giờ, mà trăm năm về sau tiếng xấu hãy còn mãi mải, mà gia thanh của các ngươi cũng chẳng khỏi mang tiếng nhục, đến lúc bấy giờ các ngươi dẫu muốn vui vẻ phỏng có được hay không?
***
Qua một số trang viết ngắn gọn trên, chúng ta thấy Bác sĩ Trần Xuân Dũng đã có công khơi dậy dòng Văn học Chiến Sử, thể hiện được phần nào hình ảnh hào hùng tiêu biểu rất đáng ngưỡng mộ của Kẻ Sĩ Miền Nam Hậu bán Thế kỷ XX trong cuộc chiến vệ quốc:
**Lòng Nhân: Bác sĩ Trần Xuân Dũng chỉ là muôn một trong số ngàn vạn các thanh niên Nam Nữ dấn thân đầu quân, ra tuyến đầu chống nạn Cộng sản gian ác buôn dân bán nước, bảo vệ đồng bào Miền Nam. Và đã bảo vệ thành công hơn 20 năm, giúp Miền Nam kịp thời xây dựng được một nền móng dân chủ, đào tạo được một số thế hệ học thức và chuyên viên tài đức đủ khả năng hội nhập thế giới tự do khi di tản, giúp có thể tồn tại và phát triển thành một đội ngũ tài ba, hình thành những cộng đồng tỵ nạn vững mạnh - cơ sở quan yếu cho việc phục quốc & kiến quốc mai hậu.
**Trí Sáng: Ngay khi còn đang học Ðại học Y khoa, hưởng ứng sáng kiến của bào huynh là Bác sĩ Trần Xuân Ninh, năm 1956 sinh viên y khoa Trần Xuân Dũng đã nhận trách nhiệm làm Thư ký Tòa soạn báo Tình Thương của sinh viên Y khoa, là tờ báo học đường duy nhất bày bán ngoài thị trường, vì ngoài nội dung về y khoa, còn đề cập tới các vấn đề thời sự đương thời được ghi nhận như những giá trị tư liệu lịch sử quý giá.
Trong một bài viết vào tháng 3-2017 tại Hoa Kỳ, Trần Hoài Thư nhận định: ''Nó (báo Tình Thương) có một trái tim rất lớn là trái tim tuổi trẻ, một tuổi trẻ trí thức nhập cuộc và dấn thân''.
Trong bối cảnh thất trận khiến không ít người buồn nản buông tay... Bác sĩ Trần Xuân Dũng và không ít cựu chiến binh VNCH đã tỉnh táo sáng suốt nhận ra trách nhiệm hậu chiến của những người cầm súng là phải 'tái sinh' những trận chiến vệ quốc hào hùng một thời trong sử sách, giúp sử sách ghi nhận các chiến tích oanh liệt của Quân lực VNCH trong cuộc chiến vì Chính Nghiã Quốc Gia, lật mặt nạ xuyên tạc bôi bẩn Quân lực VNCH rất gian trá của sử sách Việt Cộng - một công việc trí tuệ quan trọng không gì sánh bằng?
**Tính Hùng: Các cuốn chiến sử đã ghi lại những hình ảnh, những hồi ức của các chiến sĩ anh hùng, trực tiếp cầm súng xông pha lửa đạn, làm nên những trang sử vệ quốc oai hùng, giúp Quốc Gia & Dân Tộc có khoảng thời gian qúy giá 20 năm để kịp thời đào tạo một lớp người tài đức cho mai hậu. Nhìn vào hàng ngũ học thức Miền Bắc do Việt Cộng 'trồng người' đã hủy hoại nhân tính - tàn phá tinh thần truyền thống Nhân Trí Hùng của dân tộc ra sao; sẽ thấy công lao giáo dục đào tạo của Chính quyền Miền Nam sâu rộng như thế nào? Có được điều này chính là nhờ công sức lớn lao của Quân lực VNCH giữ vững tiền tuyến, giúp hậu phương ổn định an lành phát triển trên nhiều phương diện, ươm mầm hình thành về sau một đội ngũ nhân tài nơi hải ngoại vô cùng qúy giá cho tương lai Quốc gia & Dân tộc?
Trong tác phẩm 'South Vietnamese Soldiers - Memories of the Vietnam War and After' của Tiến sĩ Huynh Chau Nguyen do nhà xuất bản ABC-CLIO,LLC ấn hành tại Hoa Kỳ năm 1911, nơi Chương 3 ''Army Doctor'', ghi lại bài phỏng vấn Bác sĩ Trần Xuân Dũng về thời gian ông tham chiến... cho thấy việc làm của ông đã tạo được những ảnh hưởng không nhỏ.
***
Ngày 30-5-2023, chúng tôi bàng hoàng khi được tin Bác sĩ Trần Xuân Dũng từ trần.
(trích từ sách Văn Học Việt Nam - tân khảo - tác giả Nguyễn Xuân Khoan)