Tôi có một đàn chị học trên tôi 9 lớp (exryu 63), chị sống ở Nữu Ước, tôi cũng đã gặp chị nhiều lần và định hỏi thăm chị về chuyện khủng bố 11-9, nhưng quên mất. Hôm nay được đọc lại bài của chị dù viết cách đây 10 năm, nhưng tính thời sự còn nóng bỏng, vẫn tưởng như mới ngày hôm qua.
Mời các bạn đọc lại chuyện kể từ một nhân chứng sống ngay cạnh tòa nhà tháp đôi vào ngày đó, giờ đó.
Cám ơn daisempai Lê Thị Hàn. (Vũ Đăng Khuê)
--------------------------
911, Mười Năm Sau
Lê Thị Hàn
911 ba con số chỉ dùng để gọi khi khẩn cấp, để cầu cứu khi gặp nguy cơ, nay bỗng nhiên trở thành một con số khó quên.
Sự kiện 11 tháng 9, năm 2001 hoặc 911 theo lối viết ngày tháng tại Mỹ, là một biến cố lịch sử làm bàng hoàng cả thế giới. Một loạt tấn công cảm tử đã xảy ra lúc 8:45 sáng. Gần như cùng một lúc, tổ chức không tặc cướp bốn máy bay thương mại đang trên đường bay. Họ lái hai phi cơ lao thẳng vào Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương Mại Thế giới tại Nữu Ước. Mỗi chiếc đâm vào một trong hai tòa tháp cao nhất, cách nhau khoảng 18 phút. Không thể nào tưởng tượng được, chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ, cả hai tòa tháp cao sừng sững trên bầu trời Nữu Ước trở thành một đống thép vụn, xám xịt. Một nhóm không tặc khác lái chiếc phi cơ thứ ba đâm vào Ngũ Giác Đài ở Arlington, Virginia. Chiếc máy bay thứ tư rơi xuống cánh đồng cách Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania. Không ai có thể nghĩ rằng những không tặc đã dùng máy bay như những quả bom tự sát lớn nhất trong lịch sử từ xưa đến nay.
Chưa có một cuộc khủng bố nào, một cảnh giết chóc nào mà chỉ trong một thời gian ngắn như thế, có thể có 2,974 người thiệt mạng, không tính 19 không tặc và 24 người mất tích. Vụ khủng bố này là một sự kiện quan trọng nhất trong thế kỷ 21, có ảnh hưởng lớn lao nhất về mọi mặt, kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa của Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
8:45 sáng là giờ cao điểm của thành phố Nữu Ước. Thường thường công, tư chức và các tiệm buôn bán mở cửa từ 7 giờ sáng hoặc sớm hơn cho nên giờ này đã có rất nhiều người đến sở.
Khu vực Trung Tâm Thương mại Quốc Tế (World Trade Center WTC) gồm có tòa Tháp đôi cao 110 tầng và năm tòa nhà số 7, 6, 5, 4, 3 bao quanh, nhà thờ St Nicholas, cùng bốn trạm tàu điện ngầm đã sụp đổ hoàn toàn. Ngoài ra những cao ốc quanh khu vực này, tính đến hơn 40 tòa nhà khác cũng bị thiệt hại nặng nề.
Vậy mà đã 10 năm qua, tôi vẫn còn nhớ rất rõ, buổi sáng Thứ Ba đó, như thường lệ văn phòng chúng tôi rất bận rộn từ 6 giờ sáng, giờ Nữu Ước, vì công việc của chúng tôi liên quan đến thị trường quốc tế. Giờ ở London và Paris cách New York 6 tiếng đồng hồ nên 6 giờ sáng ở New York đã là buổi trưa bên Âu Châu. Ngân hàng đã mở hơn một nữa ngày rồi. Trong văn phòng chúng tôi có 3 máy truyền hình lớn, chạy suốt ngày. Bỗng nhiên chúng tôi thấy chỉ số thị trường Âu Châu nhảy lung tung, các đài truyền hình lớn đều đang chiếu cảnh máy bay từ từ đâm thẳng vào tòa tháp đôi ở New York. Khói lên thành một đám mây khổng lồ, dày đặc. Tòa tháp bắt đầu chuyển mình sắp ngã. Thấy phần trên tòa tháp thứ nhất có thể ngã xuống bất cứ lúc nào, chúng tôi ai nấy mong chờ bằng máy bay trực thăng hay bằng phương cách nào đó sẽ có cơ quan đến cứu. Cũng ngay lúc đó, một chiếc máy bay khác đang bay về hướng tòa tháp còn lại, không thể là máy bay cấp cứu, máy bay quá lớn và bay quá mau, trong nháy mắt nhào vào tòa tháp thứ hai. Đám khói mây dày đặc hơn, đen đặc hơn, cuồn cuộn màu xám trắng và đỏ rực. Thật là kinh hoàng! Không còn thì giờ để nghĩ, chúng tôi hét lên và ôm mặt khóc.Thật là khó tin một chuyện như vậy có thể xảy ra ngay trước mắt mình. Tự nhiên cảm thấy mình bất lực trước một sức tàn phá không lường. Chúng tôi có không biết bao nhiêu đồng nghiệp làm việc cho những ngân hàng quốc tế và những cơ quan môi giới thị trường tiền tệ và chứng khoán trong hai tòa tháp đó. Nhờ có đường giây điện thoại trực tiếp với các cơ quan môi giới thị trường, lúc đó chưa bị cắt vì tháp đôi chưa ngã. Chúng tôi đã cố gắng liên lạc để báo cho các bạn, có người đã biết và chạy có người chạy sau, nhưng tòa tháp cao và có tầng lầu không còn điện, không có thang máy chỉ có người đạp trên người để cố thoát ra khỏi cao ốc. Mãi đến mấy tiếng đồng hồ sau, có nhiều bạn mãi ba bốn ngày sau chúng tôi mới biết tin họ có thoát nạn hay không. Không làm sao kể cho hết những câu chuyện đã xẩy ra trong những giờ phút đó, trong tháp đôi, ngoài đường, trên đoạn đường cao tốc quanh khu vực bị tấn công. Có bạn thoát ra khỏi cao ốc vẫn còn hoang mang không biết mình sẽ đi về đâu, hướng nào cũng mịt mù khói đen ngòm, mảnh thép vụn tứ tung, trong tay không có gì mà vẫn cứ đi, cứ đi càng xa càng tốt, Từ xa nhìn lại, chỉ thấy một vùng sụp đổ tan hoang. Có bạn sau đó cả tháng vẫn còn cảm xúc mạnh, không thể trở về nơi đó.
Vài giây trước khi tháp Nam của tòa Tháp đôi sập xuống, người ta còn nghe tiếng kêu thất thanh của những người bị mắc kẹt ở trên tầng cao của tòa nhà khi khói lửa cuồn cuộn bốc cháy. Ngay sau đó cả khối sắt thép, gạch kính, người ta và bàn ghế vật dụng, cả một thế giới sống động một giây phút trước đây ầm ầm đổ xuống như một đợt sóng khổng lồ; như một cái gì mà từ xưa nay chưa từng thấy để có thể so sánh được. Tất cả quay cuồng trong những cuộn khói bụi khổng lồ, xám đen đặc quánh. Không khí nóng, những cuộn khói bụi bay tán loạn đuổi theo những lớp người đang chạy loạng quạng, không biết, không thấy, không còn có cảm giác đâu vào đâu.
Một giờ sau sự sụp đổ của Tháp đôi, lính cứu hỏa và cảnh sát an ninh cố gắng hết sức để tìm người sống sót. Trong một núi đổ nát, trong đám thép vụn đầy khói lửa đó người ta không ngại nguy hiểm, tìm kiếm một cách vô vọng những mạng sống, những người thân. Tháp đôi, một trong những tòa nhà cao nhất, nổi tiếng nhất thế giới, khu thương mại quốc tế với những năm tháng vàng son bổng trong phút chốc biến thành“Vùng Đất Trống Không (Ground Zero).
Trong sự hỗn loạn sáng hôm đó, có không biết bao nhiêu người đã bị cách xa gia đình không biết người thân mình đang ở đâu, sống chết ra sao, liên lạc bị cắt đứt cho đến khi về nhà, nhẹ nhõm khi nhìn vợ, chồng, cha, mẹ, anh, chị, em, con cái, người thân yêu. Họ đã cảm nhận thế nào là hạnh phúc khi vẫn còn có gia đình quanh mình. Kể từ đó, ngày 11 tháng chín đã cho họ một quan điểm mới về cuộc sống. Đã nhắc nhở họ trân trọng điều quan trọng nhất: gia đình. Nhiều người đã nhìn thấy thân nhân, người trong gia đình của họ chết, bị thương, hay mất tích vào ngày hôm đó.
Nhân loại và nhất là người Mỹ ở New York sẽ không bao giờ quên được ngày 11/9 kinh hoàng. Họ hiểu hơn ai hết là không có sự trừng phạt của thần thánh, chỉ có những ý tưởng ngông cuồng vô lương tâm của con người đem tai họa đến cho mọi người. Có người bạn bảo đêm đêm họ còn nằm mơ thấy bóng tòa tháp đôi lơ lững trên bầu trời rực sáng như còn mang theo hằng ngàn hồn thiêng.
Thành phố New York đã bị trọng thương. Khu Thương Mại Quốc Tế, mới đứng sừng sửng mấy giờ trước đây, nguy nga đồ sộ bao nhiêu nay chỉ còn là một đống tro đen ngòm với xác người la liệt như một bãi chiến trường không có chiến sĩ. Vụ tấn công độc ác này đã để lại bao nhiêu vết sẹo bao nhiêu đau thương cho nhiều gia đình vô tội. Ngay ngày hôm sau, số người tự nguyện hiến máu để cứu sinh mạng người bị nạn lên rất cao. Ngoài ra ai cũng cố gắng quyên góp giúp đỡ, ủy lạo những gia đình gặp nạn, không những chỉ một vài tuần, một vài tháng sau vụ tấn công mà cả những năm về sau.
Kể từ ngày đó không những chỉ dân chúng Nữu Ước mà cả Hoa Kỳ và toàn thế giới, đều cảm thấy một sự thay đổi lớn lao trong đời sống hằng ngày. Họ bắt đầu xét lại ý nghĩa của hai chữ Tự Do. Hành khách đi phi cơ phải chịu để nhân viên an ninh khám xét kỹ lưỡng, phải đến phi trường cả hai tiếng đồng hồ trước giờ bay, vé phải có tên tuổi rõ ràng và không được chuyển nhượng.
Vụ tấn công này đã tạo ra nhiều phản ứng khác nhau trên thế giới. Gần như tất cả các báo chí trên hoàn cầu đều lên án hành động khủng bố. Báo Le Monde viết “Hôm nay tất cả chúng ta đều là người Mỹ, cùng với hàng triệu người trên thế giới cầu nguyện cho nạn nhân và các gia đình gặp nạn.”
Toàn thể dân chúng Mỹ tỏ lòng biết ơn những nhân viên duy trì an toàn công cộng, nhất là lính cứu hỏa. Họ là những anh hùng dũng cảm đã không ngại hiểm nghèo để thi hành nhiệm vụ, không có họ số tử vong có thể còn cao hơn rất nhiều. Anh Mike, người bạn sống sót kể, lúc anh ta từ lầu 38 chạy xuống đến gần thoát ra khỏi tòa tháp thì thấy cả một toán năm bảy người lính cứu hỏa đang trên đường đi lên để cứu các nhân viên mắc kẹt. Không lâu sau đó thì tòa tháp sụp, Mike không lòng nào bước đi đâu xa, cứ loanh quanh đứng chờ xem toán lính cứu hỏa đó có trở ra không, nhưng vô vọng, anh không còn thấy bóng dáng họ đâu, có lẽ đã bị cuốn vùi trong đám thép. Ông Thị trưởng Rudolph Giuliani, đã làm việc không nghỉ, được sự ngưỡng mộ toàn quốc và được tạp chí TIME chọn làm “Người hùng của Năm 2001”
Dân chúng trên thế giới cho rằng vụ tấn công khủng bố 911 “đã vĩnh viễn làm thay đổi tình hình thế giới”. Các nước tiền tiến đều bị đặt trong nguy cơ có thể bị tấn công khủng bố mà trước đây chưa nước nào từng trải qua. Cùng với Hoa Kỳ, các quốc gia khác đang phải đối phó với các hoạt động khủng bố như gia tăng sự chuẩn bị về mặt quân sự. Nhiều nước khác hợp tác với chính phủ Mỹ, thông qua luật “chống khủng bố” và cho đóng băng các tài khoản ngân hàng của các doanh nghiệp hoặc cá nhân bị tình nghi có liên quan đến hoạt động khủng bố. Các cơ quan tình báo tại một số quốc gia bắt giữ nhiều nghi can khủng bố với mục đích đập tan những nhóm vũ trang trên toàn thế giới.
Bên trong nước Mỹ, chính phủ quyết định thành lập Bộ An ninh Nội địa (Home Land Security). Quốc hội thông qua đạo luật USA PATRIOT (Uniting and Strengthening America by Providing Appropriate Tools Required to Intercept and Obstruct Terrorism – Thống nhất và Củng cố nước Mỹ bằng cách Cung ứng những Phương tiện Thích ứng Cần có để Ngăn chặn Khủng bố), giải thích rằng đạo luật này sẽ giúp dò tìm và truy tố những phần tử khủng bố và tội phạm khác trong tương lai.
Về phương diện Kinh Tế, cuộc tấn công không những chỉ gây thiệt hại cho Tòa Tháp đôi và những cao ốc quanh khu vực đó mà còn mà còn tác hại nền kinh tế của nước Mỹ và trên thị trường thế giới. Thị trường Chứng khoán New York phải đóng cửa từ ngày 11 tháng 9 cho đến ngày 17 tháng 9. Dù cơ sở của thị trường chứng khóan không bị thiệt hại bởi vụ tấn công, nhưng các công ty thành viên, ngân hàng và khách hàng không thể liên lạc được vì các phương tiện truyền thông gần khu thương mại quốc tế bị xáo trộn. Từ đó cho đến nay khu vực ngân hàng và Thị trường chứng khoán được canh gác rất cẩn thận để tránh bị tấn công tương tự.
Thành phố Nữu Ước đã mất bao nhiêu thì giờ và công sức để phục hồi về vật chất cũng như tinh thần. Chỉ để dập tắt những ngọn lửa đang cháy âm ỉ trong đống thép vụn của toà tháp đôi, người ta phải mất hàng tháng, mãi đến tháng 5 năm 2002 mới dọn dẹp xong.
Về vấn đề cứu trợ giúp nạn nhân vụ tấn công, thành phố đã lập ra nhiều quỹ để cung cấp và hỗ trợ tài chính cho những người sống sót và gia đình nạn nhân. Cho đến ngày 11 tháng 9 năm 2003, đã nhận 2.833 đơn xin bồi thường trong số 2.986 nạn nhân.. Có 3.051 trẻ em bị mất cha hoặc mẹ trong biến cố 911. Và tổng giá trị của các tác phẩm nghệ thuật bị hủy diệt khi hai tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ đã vượt quá 100 triệu USD. Trong số này có tranh của Pablo Picasso.
Cho đến nay có rất nhiều ý kiến chung quanh sự sụp đổ của toà tháp đôi. Nhiều cuộc tranh luận bàn về nguyên nhân của sự sụp đổ thu hút nhiều kỹ sư, kiến trúc sư và các cơ quan thuộc chính phủ liên bang. Thiết kế của toà tháp đôi khác với các tòa nhà chọc trời được xây dựng trước đó. Một số kỹ sư tin rằng những toà nhà chọc trời xây theo thiết kế truyền thống như Empire State Building ở New York có thể sẽ chịu đựng được sự tấn công khủng khiếp này nhưng cũng chưa ai có thể chứng minh được.
Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công, Thị trưởng Rudy Giuliani tuyên bố, “Chúng ta sẽ xây dựng lại. Từ biến cố này chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, mạnh mẽ hơn về chính trị, mạnh mẽ hơn về kinh tế. Đường chân trời sẽ được hàn gắn”.
Chính quyền New York quyết định xây dựng một tòa tháp cao hơn và gọi nó là “Tháp Tự do”, một thách thức của nước Mỹ đối với chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Tháp Tự do dự kiến hoàn thành năm 2013, sẽ là một trong những tòa nhà cao nhất Bắc Mỹ, chỉ sau tòa nhà Chicago Spire và Tháp CN ở Toronto.Thiết kế ban đầu của Tháp Tự do của kiến trúc sư Daniel Libeskind có hình dáng như tượng Nữ thần tự do giương cao ngọn đuốc, được chọn hồi tháng 2/2003. Thiết kế là một tòa tháp cao 1776 feet (541.32 m). 1776 là năm nước Mỹ tuyên bố độc lập.
Ngay tại địa điểm của những tòa nhà đổ nát, nhiều kiến trúc mới đã được xây dựng lên. Tại chổ trước kia là tòa nhà số 7 của Khu Thương Mại Thế Giới nay là tòa cao ốc văn phòng hoàn tất năm 2006.
Năm 2007, một năm sau khi khởi công xây dựng Tháp Tự do, người ta nghi ngờ về mức độ an toàn của tòa tháp nên đã thay đổi hoàn toàn để nó thực sự trở thành một pháo đài kiên cố. Phần thân tháp có khả năng chịu được sức công phá của bom mìn. Chiều cao của công trình cũng được hạ thấp, phải dùng cột ăng-ten để đạt được độ cao biểu tượng 1776 feet., và đó là đặc điểm duy nhất còn lại từ thiết kế cũ.
Sức va chạm khủng khiếp khi những chiếc máy bay bị không tặc lao vào tòa tháp đôi ngày 11/9/2001 đã bật hoàn toàn các chất chống cháy khỏi kết cấu thép của nó, tạo điều kiện để ngọn lửa bùng lên dữ dội. Tác động quá mạnh đã làm cho các cột chịu lực không thể nào chống đỡ được và bắt đầu gãy vỡ khiến tòa tháp đôi ầm ầm sụp xuống, sàn nhà lún theo và các cột trụ mất tác dụng.Theo các kiến trúc sư ngày nay, Tháp Tự do sẽ được thiết kế để nếu hai cột trụ chịu lực chính bị hỏng vì bất kỳ lý do gì thì tòa nhà cũng vẫn đứng vững. Nó sẽ bao gồm các bức tường bảo vệ dày một mét làm bằng loại bê tông siêu bền có độ kết dính cao và được gia tăng khả năng chống cháy. Cấu trúc lõi thép, xà rầm và các cột trụ chịu lực trong tòa Tháp Tự do sẽ được nối với nhau Trong trường hợp nếu nó bị mất một cột trụ chính thì trọng lực của tòa nhà sẽ được dàn đều ra khắp công trình.
Cầu thang bộ được thiết kế đặc biệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, sẽ đủ rộng để lực lượng cứu hỏa đưa các thiết bị lên xuống một cách dễ dàng, và sẽ được điều áp để không cho khói thâm nhập vào. Không khí cho các văn phòng bên trong Tháp Tự do sẽ được đưa vào từ trên đỉnh tòa nhà, nhằm tránh sự ô nhiễm của không khí trên đường phố. Ngoài ra, không khí trước khi vào Tháp Tự do còn được qua hai lần lọc khác nhau, như thế tòa nhà có được khí sạch ngay cả trong trường hợp xảy ra tấn công khủng bố bằng vũ khí sinh học và hóa học.
Tại chân Tháp Tự do có một bức tường an ninh đặc biệt như pháo đài, gồm 3 lớp kính chịu lực, không bị vỡ vụn, còn được tăng cường bằng một kết cấu chắc chắn làm bằng thép. Các kiến trúc sư Mỹ tin rằng lớp tường kính an ninh đặc biệt này có thể giúp Tháp Tự do chống đỡ được các vụ nổ lớn.
Ngày 30 tháng ba 2009, chính quyền thành phố cho biết sau khi hoàn thành, dự định vào năm 2013, tên chính thức của tháp mới sẽ là "Trung tâm Thương Mại Thế giới” chứ không phải là" Tháp Tự do" vì thật ra đây chính là trung tâm thương mại thay thế cho trung tâm thương mại đã bị phá vỡ.
Nhiều buổi tưởng niệm được tổ chức có ảnh hưởng trên toàn thế giới tại hai cột sáng biểu tượng Tòa Tháp Đôi trong những ngày sau khi xảy ra vụ tấn công. Ảnh, hoa và lời của các nạn nhân và thân nhân xuất hiện khắp mọi nơi trong khu vực đổ nát. Ở đâu bạn cũng nhìn thấy những khuôn mặt của các nạn nhân vô tội. Ảnh của họ ở khắp nơi, dán lên trạm điện thoại, đính vào cột trụ đèn đường, trên tường trạm xe điện ngầm. Những lời nhắn gửi, cầu nguyện, của người sống viết cho người chết. Con viết gửi cha, vợ viết gửi chồng, mẹ gửi con, anh gửi em, người yêu viết gửi người yêu, cháu gửi ông bà. Nhưng dòng chữ có thể thấy ở mọi nơi quanh khu toà tháp là “Xin đừng sống mãi với ngày khủng khiếp này, nhưng cũng xin đừng bao giờ quên”. Ở đây là một đám tang vĩ đại, không ai biết ai, chỉ với những khuôn mặt buồn bã và lặng lẽ, nhưng thâm sâu là những tấm lòng liên kết với nhau với cùng một mẫu số, một mất mát vô cùng làm người ta nhìn nhau thân ái. Gặp trên đường phố, người New York lắm lúc có vẻ thờ ơ, làm bạn có cảm tưởng là họ rất lạnh lùng, đó là khi họ không thấy cần phải đi vào tình thân của nhau, nhưng mọi người nơi đây, qua tình huống này ai cũng tìm đến giúp đỡ lẫn nhau.
Bên cạnh việc xây dựng các đài tưởng niệm, một số người thân và bạn bè của những nạn nhân 911 thành lập quỹ tưởng niệm, quỹ học bổng và các chương trình từ thiện nhằm tôn vinh những người thân yêu đã mất. Ngoài ra 911 đã đem lại nhiều ảnh hưởng trong nhiều lãnh vực, cũng đã có vô số những tác phẩm văn chương kịch nghệ liên quan đến sự kiện này.
Vở kịch “The Guys” của Anne Nelson nói về hồi ức và cảm xúc của một sĩ quan cứu hỏa sống sót, và một nhà văn đến giúp anh viết những bài điếu văn cho các đồng đội đã thiệt mạng trong thảm hoạ 911. Vở kịch được công diễn lần đầu vào ngày 4 tháng 12 năm 2001.
“Ồn Ào quá và Gần vô cùng” (Extremely Loud and Incredibly Close), tiểu thuyết của Jonathan Safran Foer xuất bản năm 2005, là một trong những tác phẩm viết về vụ khủng bố. Tác giả viết theo lời kể của một cậu bé chín tuổi, Oskar Schell. Cha của Oskar đang ở trên tầng cao của Trung tâm Thương mại Thế giới khi hai chiếc máy bay phản lực đâm vào toà tháp đôi. Để kìm chế nỗi buồn và tránh những tưởng tượng kinh hoàng về thảm họa mà cha phải gánh chịu, Oskar đi vào một cuộc phiêu lưu trong tưởng tượng để truy tìm ra điều mà cậu hy vọng là sự bí mật của cha. Nhờ cuộc phiêu lưu của trí tưởng tượng này Oskar vượt qua nhiều nỗi sợ hãi 911 vô căn cứ và an ủi nhiều linh hồn đau thương.
Tác phẩm điện ảnh của Oliver Stone, “Trung tâm Thương mại Thế giới” (World Trade Center), là câu chuyện kể về hai nhân viên thuộc Cơ quan quản lý hải quan, tham gia vào công tác cứu hộ sau cùng còn sống sót và được toán cứu hộ đem ra khỏi khu bình địa (ground zero). Cuốn phim là một câu chuyện cảm động về những người dân bình thường của thành phố New York tìm cách giúp đỡ lẫn nhau ngay giữa một cơn thảm họa khủng khiếp. Cuốn phim được bắt đầu chiếu tháng 8 năm 2006.
Đã mười năm qua, người Mỹ vẫn còn để tang những người đã chết ở toà tháp đôi. Mỗi năm cứ đến ngày 11 tháng 9 thành phố có một ngày lễ tưởng niệm những người đã mất. Gia đình, bà con đều đến để sống lại giây phút đau thương mà người thân của mình đã trải qua. Bắt đầu từ 8:45 sáng, thân nhân lần lượt đọc tên những người đã mất theo thứ tự ABC. Và năm nào cũng thế, tôi chờ để nghe tên người bạn của mình mà như vẫn còn thấy hình ảnh người bạn vui tính đang ở đâu đó.
Viết về ảnh hưởng của 911 trong 10 năm vừa qua và mãi mãi về sau nữa thì sẽ không bao giờ cạn chuyện. Viết về làm sao con người với thời gian có thể vượt qua một nỗi đau cùng cực như thế này, sẽ gặp được rất nhiều bất ngờ, đau buồn triền miên có, thú vị có, ngạc nhiên có và nhất là sẽ khâm phục sức chịu đựng của con người nhất là của những bà góa phụ với những tâm hồn cao cả.
Hai Bà Susan Retik Ger và Patti Quigley đều mất chồng trong vụ khủng bố 911. Họ đã vượt qua nỗi đau của mình bằng cách lập ra một tổ chức giúp đỡ các phụ nữ Afghanistan gọi là tổ chức .
“Vượt qua ngày 11” (Beyond the 11). Bà Susan Retik Ger nói:
“Muốn vượt qua được một thảm kịch chúng ta cần có sức mạnh và lòng can đảm. Khi có thể giúp người khác là lúc mình có thể quên những đau đớn của chính mình.” Giúp người khác là một lối tốt nhất để giúp cho chính mình. Bà nói thêm là cảm thấy có được niềm vui trong vai trò giúp phụ nữ và góa phụ tại Afghanistan tìm được tiếng nói của mình và bắt đầu xây dựng lại đất nước.
Tổ chức “Vượt qua ngày 11” giúp hai bà tìm được sự khuây khỏa và mục đích khi đến với những góa phụ Afghanistan qua giáo dục và việc làm của cộng đồng. Họ nêu lên những nhận thức về những khó khăn phụ nữ Afghanistan phải đối phó và gây quỹ để nỗ lực thay đổi. Kể từ năm 2003 tổ chức đã giúp tài trợ khoảng 600.000 đô la cho những chương trình phát sinh lợi tức bởi vì họ tin rằng những phụ nữ này cần cơ hội để có thể tự túc lo cho mình và gia đình. Nếu họ học được cách buôn bán hay một kỹ năng giúp họ tự lực thì họ sẽ có cơ hội cho con cái đến trường. Cơ quan này giúp phụ nữ kiếm tiền bằng cách dạy nghề dệt thảm. Những phụ nữ này không những chỉ dệt thảm và có tiền, họ còn buộc không được dùng trẻ em dưới 15 tuổi để dệt thảm, phải cho các em đến trường học. Tổ chức còn đang điều hành một trung tâm cộng đồng đầu tiên cho phụ nữ tại Afghanistan. Trung tâm này có nhà kính để trồng hoa và rau quả, một khu vực tắm giặt để phụ nữ có thể tắm và chăm sóc các nhu cầu cá nhân. Họ có cơ hội làm quen với nhau tại câu lạc bộ, uống trà và con cái của họ có thể chơi đùa tại sân chơi của trung tâm
Ngoài ra tổ chức còn có chương trình xóa nạn mù chữ. Những phụ nữ trước đây không thể đếm tiền nay có thể đọc, viết và giúp con cái họ. Cơ quan hy vọng có được giấy phép của Bộ Giáo dục để có thể tổ chức chương trình giáo dục cao hơn nữa.
Bà Jan cho biết thêm hiện đang giúp cho 81 gia đình tại Bamyan. Mỗi gia đình có từ 20 đến 30 người. Họ tạo chương trình giáo dục sức khỏe, giúp săn sóc bé sơ sinh, đảm bảo là các em có vệ sinh và được chích ngừa. Tổ chức những buổi thảo luận về sức khỏe để đời sống của mọi người càng ngày càng khá hơn.
Nhờ tổ chức “Vượt qua ngày 11” mà phụ nữ Afghanistan bắt đầu tiến bộ. Hai Bà Susan Retik Ger và Patti Quigley được tặng Huân chương Công Dân của Tổng thống. Đây là một huy chương dân sự cao quý thứ hai của nước Mỹ. Cùng với 12 người khác, hai bà được vinh danh nhờ những hoạt động quên mình, một tấm gương để thấy cá nhân có thể làm những việc vĩ đại như thế nào.
Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng những kinh nghiệm con người trải qua trong quá khứ sẽ giúp họ cảm nhận sự vật nhạy bén hơn và tác dụng tích cực hơn trong tương lai. Sống qua những cảm giác bi thảm của 911 có thể đã giúp người ta đương đầu với cuộc sống dễ dàng hơn. Phân biệt sự xấu và tốt rành mạch hơn để làm cho con người dễ thành một người tốt hơn.
10 năm có lẽ là quá đủ để quên đi và sống tiếp.
Tôi còn nhớ buổi chiều của 10 năm trước đây trên chuyến xe lửa trở về nhà, tôi ngồi trước mặt một người con gái mặc chiếc áo T shirt màu đỏ với lá cờ Mỹ và ba số 911. Tự nhiên nước mắt muốn trào ra, muốn đặt tay lên bàn tay cô để chia sẻ một cái gì qua sự kiện kinh hoàng vừa xảy ra. Làm như xung quanh chúng tôi, những người New York lúc đó có một sự hiệp nhất của lòng từ bi đối với nhau, Một liên kết rất đơn giản của khả năng đồng cảm. Không ai nói với ai một lời mà như đã chia sẻ với nhau hàng ngàn vòng tay, hàng vạn hơi ấm.
Có bạn hỏi tôi có mất người thân nào trong cuộc tấn công bi thảm đó không? Tôi đã mất một vài bạn đồng nghiệp, nhưng thật ra tôi đã mất rất nhiều. Tôi cảm thấy hơn bao giờ hết cái nỗi buồn có thật về những gì đã xẩy ra nơi đây. Xứ sở này tôi đã sống hơn 30 năm bây giờ thành hơn 40 năm. Tôi đã ở đây lâu hơn một nơi nào khác, nơi đây đã giữ lại những vui buồn, những lên xuống thăng trầm của cuộc đời, những niềm vui lớn nhỏ khó quên...
Trung tâm thương mại tài chánh thế giới, nơi mà chúng tôi đã có thời gian làm việc lâu dài, đã là một chốn thân thương. Chúng tôi cảm nhận sự dũng cảm lớn lao của tất cả những người làm việc trong khu vực trung tâm thành phố tài chánh của thành phố qua biến cố 911. Họ là mạch máu của nền kinh tế. Họ đã chiến đấu qua nỗi đau, nhìn thấy sự sụp đổ của tòa tháp, chấp nhận sự mất mát. Sau đó, họ đã trở lại làm việc để giữ vững các thị trường và giúp nền kinh tế qua các cuộc khủng hoảng. Ho đã góp sức cho các công ty bị thiệt hại trong vụ tấn công, sống sót và xây dựng lại. Quả là một can đảm phi thường nhìn thấy trước mắt, theo dõi xem làm thế nào gia đình của những người thiệt mạng trong vụ tấn công đã phải chiến đấu để thành lập Ủy ban 911, để tận tình giúp đỡ lẫn nhau.
Thật khó để tin rằng một thập kỷ đã trôi qua . Bây giờ các tòa nhà mới đã bắt đầu dựng lên trong khu vực của Trung tâm Thương Mại cũ. Hy vọng rằng, mọi sự sẽ luôn luôn được an toàn và thành phố sẽ không bao giờ bị tấn công một lần nữa.
Mới hay Thời Gian quả là một liều thuốc thần diệu và tinh thần con người thật dũng cảm.
Trung tâm thương mại của thành phố New York đang thay đổi.
Lê thị Hàn
New York, 911 năm 2011